Mô hình hai đỉnh và hai đáy

Mục lục

Mô hình hai đỉnh và hai đáy là gì?

Là một mẫu hình đảo chiều phổ biến rất hay gặp trên đồ thị giá chứng khoán. Mô hình hai đỉnh thường xuất hiện sau một xu hướng tăng giá mạnh của chứng khoán, mô hình hai đáy thường xuất hiện ở đáy sau một xu hướng giảm giá mạnh. Sự hoàn thành của 2 mô hình trên là dấu hiệu của sự giảm giá đối với mô hình hai đỉnh và tăng giá đối với mô hình hai đáy. Sau đây chúng ta sẽ lần lượt xem xét từng mô hình và ví dụ thực tế trên đồ thị giá chứng khoán.

1. Mô hình hai đỉnh

Mô hình hai đỉnh được đặc trưng bởi 2 đường thẳng song song trên dưới tương ứng với mức kháng cự và hỗ trợ như hình dưới.

Đây là mẫu hình đảo chiều từ tăng thành giảm xuất hiện trong một xu hướng tăng mạnh của thị trường.

Mẫu hình hai đỉnh gồm 3 thành phần chính

  • Hai đỉnh liền kề nhau tạo thành ngưỡng kháng cự ở phía trên.
  • Mức giá ở hai đỉnh có thể bằng nhau hoặc tương đương nhau (tức là bằng hoặc thấp hơn một chút)
  • Một đáy ở giữa tương ứng với ngưỡng hỗ trợ hay còn gọi là đường viền cổ neckline

Ba thành phần này xuất hiện trên đồ thị giá với 2 đỉnh có hình dáng giống chữ M nó cho thấy một tín hiệu đảo chiều của thị trường từ tăng thành giảm.

Giải thích mô hình bằng tâm lý nhà đầu tư

Mô hình giá hai đỉnh này cho chúng ta thấy tâm lý của nhà đầu tư cũng như hành động của họ ở trên thị trường. Trước đó, thị trường đang ở một xu hướng (trend) tăng giá dài hạn lượng người mua chiếm áp đảo so với lượng người bán. Khi giá tăng đến đỉnh thứ nhất, gặp kháng cự mạnh lúc này lực mua không thắng nổi lực bán giá đã quay đầu giảm xuống tạo thành mức hỗ trợ bên dưới.

Sau đó giá lại tiếp tục đi lên cố gắng vượt qua ngưỡng kháng cự được tạo thành từ đỉnh đầu tiên nhưng không vượt qua được. Điều đó cho ta thấy đây là một ngưỡng cản tâm lý mạnh của NĐT trên thị trường. Sau 2 lần đi lên mà không thành công các NĐT đã mất niềm tin rằng giá chứng khoán có thể vượt qua ngưỡng kháng cự này, lực bán mạnh dần lấn át lực mua đẩy giá giảm xuống ngưỡng hỗ trợ phía dưới được tạo thành bởi đáy lần trước. Khi đường giá phá vỡ ngưỡng hỗ trợ ở điểm break out này thì đã hoàn thành mô hình 2 đỉnh và báo hiệu rằng giá tiếp tục giảm xuống. Đây là ý nghĩa của mô hình giá 2 đỉnh này và giải thích bằng tâm lý thị trường vì sao khi mô hình hoàn thiện giá lại đảo chiều từ tăng thành giảm.

Đặc điểm của mô hình hai đỉnh

  • Phải có một xu hướng tăng dài hạn trước đó. Nếu mô hình này xuất hiện trong một khung thời gian ngắn hoặc trend tăng quá ngắn thì hiệu quả mô hình kém chính xác.
  • Khối lượng giao dịch của chứng khoán trong quá trình giá hồi phục từ đáy giữa tới đỉnh thứ 2 thấp hơn khối lượng giao dịch của trend tăng trước đó. Nếu trong giai đoạn này khối lượng giao dịch tương đương hoặc lớn hơn trước đó thì khả năng cao nó không hình thành mô hình 2 đỉnh. Trong trường hợp đó đỉnh thứ 2 sẽ cao hơn đỉnh thứ nhất vượt qua kháng cự thì giá vẫn nằm trong trend tăng và giá giảm tạo thành đáy giữa chỉ là đợt điều chỉnh trong một xu hướng tăng giá mà thôi.
  • Đỉnh số 2 nên bằng hoặc thấp hơn một chút so với đỉnh số 1 thì mô hình 2 đỉnh này sẽ chính xác hơn. Thấp hơn nhiều quá thì hiệu quả cũng không cao.
  • Giá giảm từ đỉnh số 2 trở xuống thường khối lượng giao dịch tăng lên và lớn hơn so với giai đoạn giá giảm xuống từ đỉnh số 1 đến đáy giữa. Bởi vì khi đó sau 2 lần cố gắng vượt qua kháng cự không thành công, các nhà đầu tư mất niềm tin rằng giá có thể tiếp tục đi lên thêm nữa nên chứng khoán ở giai đoạn này có thể xảy ra hiện tượng bán mạnh từ đỉnh số 2 này. Vì vậy tại ngưỡng này khối lượng tăng và giá giảm vì lượng người bán lấn át người mua.
  • Sau khi đỉnh 2 được tạo ra đồ thị vẫn chưa xác nhận mô hình 2 đỉnh hoàn thiện. Chỉ đến khi nào đường giá tiếp tục phá vỡ hỗ trợ vùng đáy giữa (điểm breakout) thì mới xác nhận rằng mô hình 2 đỉnh đã hoàn thiện và báo hiệu cho sự giảm giá sắp tới. Khi đó tại điểm này khối lượng giao dịch sẽ tăng mạnh. Khi đó vùng hỗ trợ sẽ trở thành kháng cự và thường thì giá có khả năng sẽ quay trở lại để retest ngưỡng kháng cự này một lần nữa trước khi quay đầu giảm xuống.

Trước đó cổ phiếu BFC của công ty phân bón bình điền có một thời gian tăng giá khá mạnh từ đầu năm 2016 từ mức giá 15k lên vùng giá 38. Tại vùng giá này cổ phiếu BFC tạo mô hình 2 đỉnh và hoàn thiện mô hình khi phá vỡ đường viền cổ neck line tại mức giá 34k. Bạn có thể thấy khi giá cổ phiếu BFC phá vỡ đường hỗ trợ neckline cổ phiếu BFC hình thành xu hướng downtrend từ 25/10/2017 đến ngày 9/7/2018 giá cổ phiếu BFC chỉ còn 23k/cổ phiếu.

2. Mô hình hai đáy

Mô hình hai đáy là nghịch đảo của mô hình 2 đỉnh xuất hiện trong một xu hướng giảm giá dài hạn. Nó là mô hình đảo chiều từ giảm thành tăng khi mô hình được hoàn thiện. Như tên gọi của nó, mẫu hình được tạo thành từ hai đáy liên tiếp gần bằng nhau tạo thành một ngưỡng hỗ trợ, với một đỉnh vừa phải ở giữa là ngưỡng kháng cự hiện tại.

Giải thích mô hình bằng tâm lý nhà đầu tư

Sau một quá trình giảm giá dài hạn, giá cổ phiếu đã đi đến vùng đáy hỗ trợ và đường giá 2 lần cố gắng phá vỡ ngưỡng hỗ trợ này để giảm tiếp nhưng không thành công bởi vì lượng người bán quá ít và lực mua áp đảo đẩy giá đi lên cho đến khi đường giá phá vỡ đường kháng cự tại điểm breakout chính thức xác nhận mô hình 2 đáy hoàn thành và giá tiếp tục đi lên đảo chiều từ giảm thành tăng.

Đặc điểm của mô hình hai đáy

  1. Xu hướng ưu tiên: Với bất kỳ mô hình đảo chiều nào, phải có xu hướng hiện tại để đảo ngược. Trong trường hợp của mô hình hai đáy phải nên có một xu hướng giảm đáng kể trong vài tháng.
  1. Đáy thứ nhất: Đáy đầu tiên phải đánh dấu điểm thấp nhất của xu hướng giảm hiện tại. Như vậy, đáy đầu tiên là bình thường và xu hướng giảm vẫn tiếp tục.
  2. Đỉnh: Sau đáy đầu tiên, một sự phục hồi của giá thường dao động từ 10 đến 20% tạo thành một đỉnh nhỏ cho thấy lực cầu đang tăng lên nhưng không đủ mạnh cho một sự bứt phá. Giá cổ phiếu sau đó tiếp tục giảm.
  3. Đáy thứ hai: Sự suy giảm từ đỉnh nhỏ thường xảy ra với khối lượng thấp. Khoảng thời gian giữa các đáy có thể giao động từ vài tuần tới vài tháng.
  4. Phá vỡ kháng cự: Ngay sau khi tạo thành đáy thứ 2 giá cổ phiếu tăng lên ngưỡng kháng cự tạo thành bởi đỉnh nhỏ trước đó thì quá trình đảo ngược xu hướng vẫn chưa hoàn tất. Chỉ đến khi giá tăng mạnh vượt qua ngưỡng kháng cự neckline với khối lượng gia tăng mạnh mẽ thì mô hình mới hoàn thiện.
  5. Giá quay lại retest lại ngưỡng kháng cự mà giờ đây trở thành hỗ trợ khi giá vượt qua điểm breakout: Thường thì sau khi vượt qua một ngưỡng kháng cự mạnh thì giá có thể quay lại retest lại ngưỡng này với khối lượng thấp và sau đó giá lại tiếp tục tăng.
  6. Mục tiêu giá: Khoảng cách giữa đường hỗ trợ và kháng cự là mục tiêu giá tối thiểu. Điều này có nghĩa là sự hình thành mô hình càng lớn thì tiềm năng tăng giá càng lớn và ngược lại.

Ví dụ:

Đồ thị cổ phiếu ASM của công ty CP Sao Mai An Giang minh họa cho mô hình 2 đáy đảo chiều

Sau một xu hướng giảm mạnh từ đỉnh cao 11.6 ngày 10/6/2014 đến ngày 19/05/2015 cổ phiếu ASM tạo đáy đầu tiên tại mức giá 6k. Giá cổ phiếu ASM phục hồi lên vùng giá 8k tạo thành một đỉnh nhỏ rồi giá tiếp tục giảm tạo thành đáy thứ 2 tại mức giá 7k. Sau đó cổ phiếu bắt đầu hồi phục cho đến ngày 31/07/2017 thì hoàn thiện mô hình hai đáy với giá và khối lượng tăng mạnh. Các bạn có thể thấy cổ phiếu ASM sau khi hoàn thiện mô hình đảo chiều tăng giá với mức tăng rất mạnh lên vùng giá 18k ngày 3/3/2016.

Bình luận