Mục lục
Ngưỡng hỗ trợ và kháng cư là gì?
Ngưỡng hỗ trợ và kháng cự là một trong những khái niệm tối quan trọng trong Phân tích kỹ thuật. Nó cho phép người nghiên cứu có thêm những cơ sở mới trong việc chọn điểm mua hay điểm bán, hoặc là dự đoán các biến động tiềm năng, trong việc chỉ ra những thời điểm mà thị trường có thể gây ra rắc rối cho nhà đầu tư.
Ngưỡng kháng cự và hỗ trợ có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nghiên cứu phân tích các hình mẫu kỹ thuật. Những kiến thức cơ bản về kháng cự và hỗ trợ sẽ giúp người nghiên cứu dễ dàng hiểu bản chất và các ứng dụng của các hình mẫu đó. Ngưỡng hỗ trợ và kháng cự thường được dùng rất thông dụng trên thị trường chứng khoán cũng như nhiều loại thị trường khác.
Trong bài viết về xu hướng, chúng ta đã biết rằng giá cả biến động theo chuỗi đỉnh và đáy, và chiều hướng của chúng xác định xu hướng của thị trường. Bây giờ chúng ta sẽ đi vào tìm hiểu tên gọi phù hợp của những loại đỉnh và đáy này.
Các đáy, hay những vùng lõm, được gọi là ngưỡng hỗ trợ. Như chính cái tên của thuật ngữ này cho thấy, ngưỡng hỗ trợ là nơi thể hiện một mức giá hay một khu vực thấp hơn giá thị trường, nơi xu hướng mua vào cao hơn sức ép bán ra. Kết quả là sự sụt giá tạm ngừng và tăng trở lại. Thường thì một ngưỡng hỗ trợ đã được xác định bởi một vùng lõm trước đó.
Ngưỡng kháng cự là hình thức trái ngược với ngưỡng hỗ trợ và thể hiện một mức giá hay một khu vực cao hơn giá thị trường với áp lực bán ra cao hơn mua vào và sự tăng giá cũng đã quay trở lại. Thông thường, ngưỡng kháng cự được xác định bởi một đỉnh xuất hiện trước đó.
Hình 1a thể hiện các ngưỡng hỗ trợ và kháng cự trong trong một xu hướng tăng. Các điểm 1 và 3 thể hiện ngưỡng kháng cự, điểm 2 và 4 thể hiện ngưỡng hỗ trợ.
Hình 1b thể hiện các ngưỡng hỗ trợ và kháng cự trong một xu hướng giảm. Các điểm 1 và 3 thể hiện ngưỡng hỗ trợ và các điểm 2 và 4 thể hiện ngưỡng kháng cự.
Như vậy, ta có thể định nghĩa ngưỡng hỗ trợ và kháng cự như sau:
Ngưỡng hỗ trợ là mức giá mà ở đó lượng cầu cho một cổ phiếu là đủ để, ít nhất là, làm tạm dừng xu thế giảm giá của thị trường và cũng có thể đổi chiều xu hướng đó, tức là làm xu hướng giá đang đi xuống có thể quay đầu đi lên.
Ngưỡng kháng cự là mức giá mà ở đó lượng cung đủ để giá sẽ ngừng không tăng nữa và có thể chuyển động ngược lại và đi xuống.
Theo lý thuyết thì mỗi mức giá có một lượng cung và cầu nhất định. Những khoảng hỗ trợ thể hiện sự tập trung của cầu còn khoảng kháng cự thể hiện sự tập trung của cung.
Việc nắm được những khái niệm về nguỡng hỗ trợ và kháng cự là điều kiện cần thiết để thấu hiểu xu hướng. Để một xu hướng tăng có thể tiếp tục diễn ra, mỗi mức hỗ trợ phải cao hơn mức trước đó. Mỗi mức kháng cự phải cao hơn mức trước đó. Nếu vùng đáy hiệu chỉnh trong một xu hướng tăng nằm bên dưới ngưỡng hỗ trợ trước đó, có thể đó là một tín hiệu cảnh báo sớm cho biết xu hướng tăng đã kết thúc hoặc ít nhất đã chuyển sang xu hướng đi ngang. Nếu ngưỡng hỗ trợ bị phá vỡ, có thể xu hướng sẽ đảo chiều từ tăng sang giảm.
Mỗi lần ngưỡng kháng cự trước đó được kiểm nghiệm cũng là lúc mà xu hướng tăng nằm trong giai đoạn đặc biệt quan trọng. Sự thất bại trong việc vượt qua đỉnh trước của xu hướng tăng, hoặc khả năng giá bật lại từ ngưỡng hỗ trợ của xu hướng giảm là tín hiệu đầu tiên cảnh bảo rằng xu hướng hiện tại đang thay đổi.
Hình 2a ta thấy rằng tại điểm 5, giá không thể vượt qua đỉnh trước đó là điểm 3 trước khi quay đầu đi xuống để phá vỡ ngưỡng hỗ trợ tại điểm 4. Chúng ta có thể xác định được sự đảo chiều xu hướng bằng việc quan sát những ngưỡng kháng cự và hỗ trợ.
Hình 2b ta thấy khi giá giảm vể điểm 5 cũng là ngưỡng hỗ trợ số 3 giá quay đầu tăng khi giá tăng vượt qua ngưỡng kháng cự số 4 thì có cơ sở tin rằng có một sự đảo chiều xu hướng.
Trong phần về mô hình giá 2 dạng đảo chiều này sẽ được xác định như là mô hình hai đỉnh (double top) và mô hình 2 đáy (double bottom).
Sự trao đổi vai trò của các ngưỡng hỗ trợ và kháng cư
Chúng ta đã xác định “ngưỡng hỗ trợ” như là mức đáy trước đó và “ngưỡng kháng cự” như là đỉnh trước đó. Tuy nhiên, mọi việc không phải lúc nào cũng diễn ra như vậy. Một trong những khía cạnh thú vị và ít được biết đến hơn về ngưỡng kháng cự và hỗ trợ chính là vai trò đảo nghịch của chúng. Khi một ngưỡng hỗ trợ hoặc kháng cự bị phá vỡ bởi một lượng đáng kể, vai trò của chúng sẽ bị đảo ngược. Nói cách khác, một ngưỡng kháng cự sẽ trờ thành một ngưỡng hỗ trợ và hỗ trợ trở thành kháng cự. Để hiểu rõ hơn tại sao lại như thế, chúng ta cần thảo luận một so vấn đề tâm lý ẩn sau sự hình thành ngưỡng hỗ trợ và kháng cự.
Tâm lý học của ngưỡng hỗ trợ và kháng cự
Để minh họa, ta hãy chia những thành viên tham gia thị trường thành ba nhóm – thành phần mua, thành phần bán và thành phần không tham gia cuộc chơi. Thành phần mua là những NĐT đang ở vị thế mua, thành phần bán là những NĐT đã chuyển sang vị thế bán và thành phần không tham gia thị trường là những NĐT đã thoát khỏi thị trường hoặc vẫn chưa quyết định được sẽ tham gia vào vị thế nào.
Giả sử thị trường đang bắt đầu có biến động tăng từ một khu vực hỗ trợ, nơi giá đã dao động một thời gian. Những người mua (ở gần khu vực hỗ trợ) đang mừng rỡ, nhưng lại hối hận vì đã không mua nhiều hơn. Nếu thị trường rơi xuống lại gần khu vực hỗ trợ lần nữa, họ sẽ gia tăng vị thế mua của mình. Những người bán lúc này đã nhận ra (hoặc hoài nghi cực độ) rằng họ đã quyết định sai vị thế thị trường. Những người bán hy vọng rằng giá sẽ lại rơi xuống khu vực mà họ đã bán ra để có thể rời khỏi thị trường nơi mà họ đã tham gia (điểm hòa vốn). Cuộc chơi có thể được chia thành hai nhóm – những người không bao giờ tham gia vào bất kỳ một vị thế nào và những người vì một lý do nào đó đã thanh lý những vị thế mua của mình tại khu vực hỗ trợ.
Nhóm thứ hai đương nhiên đang phẫn nộ vì đã thanh lý những vị thế mua trước thời hạn và hy vọng rằng sẽ có một cơ hội khác để phục hồi những vị thế mua gần điểm họ bán ra.
Nhóm cuối cùng, nhóm những người do dự, lúc này nhận thấy giá đang tăng và nhất định tham gia vào thị trường với tư cách bên mua khi có cơ hội mua tốt xảy ra lần nữa. Tất cả 4 nhóm này kiên quyết sẽ mua trong lần giá rơi tiếp theo. Tất cả đều được đảm bảo quyền lợi bất di bất dịch tại khu vực hỗ trợ đó dưới mức giá thị trường. Lẽ dĩ nhiên giá rơi xuống gần ngưỡng hỗ trợ đó, việc cả 4 nhóm này đều mua những vị thế mới sẽ khiến giá tăng lên.
Tình trạng diễn ra càng nhiều tại ngưỡng hỗ trợ thì giao dịch càng trở lên quan trọng vì sẽ có nhiều người tham gia thị trường có quyền lợi bất di bất dịch tại mức giá đó. Số lượng giao dịch tại một khu vực hỗ trợ hoặc kháng cự có thể được xác định bằng 3 cách: lượng thời gian bỏ ra, khối lượng giao dịch và cách thức mà những giao dịch vừa diễn ra.
Chu kỳ thời gian càng dài, nơi giá được giao dịch tại một ngưỡng hỗ trợ hoặc kháng cự, khu vực đó càng có ý nghĩa. Ví dụ, nếu giá dao động không rõ xu hướng trong thời gian 3 tuần trong một khu vực giằng co giá trước khi tăng cao hơn thì khu vực hỗ trợ đó sẽ trở lên quan trọng hơn thời hạn giao dịch 3 ngày.
Khối lượng giao dịch là một cách khác để đánh giá mức độ quan trọng của ngưỡng hỗ trợ và kháng cự. Nếu ngưỡng hỗ trợ được hình thành từ khối lượng giao dịch lớn, chúng ta có một số lượng lớn đơn vị được trao tay, và điều này cho thấy ngưỡng hỗ trợ đó quan trọng hơn là chỉ có một số ít giao dịch diễn ra. Đồ thị hình và điểm đánh giá hoạt động giao dịch trong ngày là một công cụ đặc biệt hữu ích trong việc xác định những mức giá này, nơi có nhiều giao dịch diễn ra nhất. Đồng thời cũng là nơi thích hợp nhất để ngưỡng hỗ trợ và kháng cự thực hiện chức năng của mình.
Cách thứ ba để xác định tầm quan trọng của một ngưỡng hỗ trợ hoặc kháng cự là xem giao dịch gần nhất diễn ra như thế nào. Vì đang nhắc đến phản ứng của các nhà giao dịch với biến động thị trường và với các vị thế mà họ vừa nắm giữ hoặc không thể nắm giữ nên chúng ta có lý do để tin rằng càng diễn ra gần đây thì hoạt động giao dịch càng có ý nghĩa.
Bây giờ, hãy quay trở lại với các bảng biểu và thử hình dung rằng, thay vì tăng, giá lại giảm xuống. Trong ví dụ trước, do giá tăng nên phản ứng kết hợp của các thành phần tham gia thị trường đã khiến giá rớt xuống nhằm đáp ứng việc mua bổ sung (do đó tạo nên một ngưỡng hỗ trợ mới). Tuy nhiên, nếu giá bắt đầu giảm và rơi xuống dưới ngưỡng hỗ trợ trước đó thì phản ứng sẽ diễn ra ngược lại. Tất cả những người mua tại ngưỡng hỗ trợ bây giờ nhận ra rằng minh đã phạm sai lầm. Đối với các nhà giao dịch tương lai, những cá nhân/tổ chức môi giới cùa họ sẽ điên cuồng yêu cầu bổ sung tiền ký quỹ. Vì tính đòn bẩy cao của giao dịch tương lai nên các nhà giao dịch không thể ngồi yên với việc thua lỗ kéo dài. Họ buộc phải tăng thêm tiền ký quỹ hoặc phải tất toán những vị thế đang thua lỗ của mình.Những gì tạo nên ngưỡng hỗ trợ trước hết chính là ưu thế của lệnh mua khi giá thấp hơn giá thị trường.
Tuy nhiên, bây giờ tất cả những vị thế mua khi thị trường giảm giá trở thành lệnh bán trong thị trường tăng giá. ngưỡng hỗ trợ biến thành ngưỡng kháng cự. Và khu vực hỗ trợ truớc đó càng quan trọng – nghĩa là thời gian diễn ra giao dịch càng gần cùng số lượng giao dịch diễn ra tại đó càng lớn thì khả năng trở thành khu vực kháng cự càng lớn. Tất cả những yếu tố tạo nên ngưỡng hỗ trợ gồm ba thành phần tham gia thị trường – nguời mua, người bán và người đứng ngoài thị trường sẽ tạo nên mức giá cao hơn những mức giá hình thành sau một đợt hồi phục.
Đôi khi cũng cần phải tạm dừng lại và suy ngẫm về lý do tại sao mô hình giá lại được sử dụng, và những khái niệm như ngưỡng hỗ trợ và kháng cự có thật sự hiệu quả hay không. Điều đó không phải bởi sự kỳ diệu của đồ thị hay những đường kẻ được vẽ trên đồ thị. Những mô hình này có hiệu quả vì chúng tạo ra bức tranh về những gì mà những người
tham gia thị trường đang làm và giúp chúng ta xác định được phản ứng của họ với những sự kiện trên thị trường. Phân tích đồ thị thực sự là việc nghiên cứu tâm lý con người và những phản ứng của các nhà giao dịch đối với những thay đổi của thị truờng. Đáng tiếc là do đang sống trong một thế giới đầy biến động với sự phát triển nhanh chóng của các thị truờng tài chính nên chúng ta có khuynh hướng dựa dẫm vào thuật ngữ đồ thị và những từ ngữ ngắn gọn mà xem nhẹ những tác nhân cơ bản tạo nên những mô hình trên đồ thị ngay từ lúc đầu.
Có những lý do thuộc về tâm lý giải thích vì sao ngưỡng hỗ trợ và kháng cự có thể được xác định trên đồ thị giá và tại sao chúng có thể được sử dụng để hỗ trợ việc dự đoán biến động thị trường.
Mức độ phá vỡ của ngưỡng kháng cự và hỗ trơ
Nếu bị phá vỡ bởi một mức tăng đáng kể, một ngưỡng hỗ trợ sẽ trở thành ngưỡng kháng cự và ngược lại. Hình 3a minh họa một ngưỡng kháng cự bị phá vỡ. Khi giá đang tăng trong hình 3a thì phản ứng giá tại điểm 4 sẽ ngừng ở hoặc trên đỉnh tại điểm 1
Hình 3a, Đỉnh trước đó tại điểm 1 là một ngưỡng kháng cự. Nhưng một khi nó bị phá vỡ bởi một sóng 3, ngưỡng kháng cự trước đó sẽ biến thành ngưỡng hỗ trợ. Tất cả những giao dịch bán gần đỉnh của sóng 1 (tạo nên ngưỡng kháng cự) hiện đã trở thành vị thế mua khi giá giảm.
Hình 3b, giá đang giảm, điểm 1 (là một ngưỡng hỗ trợ trước đó trong thị trường giá giảm) hiện đã trở thành một ngưỡng kháng cự khi giá tăng tới điểm 4.
Như đã từng đề cập trước đó rằng khoảng cách giá vượt khỏi ngưỡng hỗ trợ hay kháng cự tương đương với mức độ quan trọng của ngưỡng đó. Điều này hoàn toàn đúng khi ngưỡng hỗ trợ và kháng cự bị phá vỡ và bị thay đổi vai trò.
Ví dụ, ngưỡng hỗ trợ và chỉ bị thay đổi vai trò khi bị phá vỡ với một giá trị đáng kể. Nhưng bao nhiêu mới là đáng kể? Ở đây có một chút chủ quan trong việc xác định mức độ ý nghĩa của sự phá vỡ. Như một chuẩn đối sánh, một số người sử dụng đồ thị sử dụng mức phá vỡ 3% làm tiêu chí, đặc biệt là đối với những ngưỡng kháng cự và hỗ trợ chính. Những khu vực kháng cự và hỗ trợ ngắn hạn hơn có thể sẽ đòi hỏi một con số nhỏ hơn, chẳng hạn 1%. Trên thực tế mỗi nhà phân tích phải tự quyết định thế nào là một mức phá vỡ đáng kể. Tuy nhiên cần phải nhớ rằng khu vực hỗ trợ và kháng cự chỉ đảo nghịch khi thị trường biến động nhiều đủ để khiến những người tham gia tin rằng họ đang phạm sai lầm. Thị trường biến động càng lớn thì họ càng trở lên dễ bị thuyết phục.