Chỉ báo Xu hướng Phần 1

Chỉ báo xu hướng là gì?

Xu hướng là yếu tố vô cùng quan trọng trong phân tích kỹ thuật để phân tích thị trường. Tất cả các công cụ dành cho người sử dụng đồ thị như ngưỡng hỗ trợ và kháng cự, mô hình giá, đường trung bình di dộng, đường xu huớng, v.v… đều có một mục đich duy nhất là giúp xác định xu hướng của thị trường để có thể tham gia vào xu hướng đó. Chúng ta thường nghe thấy những câu quen thuộc như “phải luôn giao dịch theo chiều hướng của xu huớng”, “đừng đi lệch xu hướng”, hoặc “xu hướng là người bạn đồng hành”. Vậy ta hãy cùng nhau xác định xem xu hướng là gì đồng thời phân loại chúng thành một số nhóm.

Nhìn chung, xu hướng chỉ đơn giản là chiều hướng cũng như cách thức dịch chuyển của thị trường. Nhưng chúng ta cần có một định nghĩa chính xác hơn. Trước hết, thị trường không bao giờ di chuyển theo một đường thẳng về bất kỳ hướng nào. Sự biến động của thị trường bao gồm hàng loạt chuyển động zíc zắc. Những đường zíc zắc này giống những đợt sóng liên tiếp bao gồm các đỉnh và đáy rõ rệt. Chiều hướng của những đỉnh và đáy này cấu thành xu hướng thị trường. Cho dù có đi lên, xuống hay đi ngang thành những đỉnh và đáy này cũng cho ta thấy xu hướng của thị trường. Một xu hướng được gọi là tăng khi các đỉnh và đáy liên tục đi lên. Nguợc lại, một xu hướng được gọi là giảm khi các đỉnh và đáy đi xuống; còn các đỉnh và đáy nằm ngang sẽ tạo nên một xu hướng đi ngang (không rõ xu hướng).

Hình dưới đây minh họa 3 xu hướng

Ba chiều hướng của xu hướng

Chúng ta đã nói đến xu hướng tăng, giảm và đi ngang với lý do hợp lý. Phần lớn mọi người thuờng có khuynh hướng cho rằng thị trường luôn theo xu hướng tăng hoặc giảm. Nhưng thưc tế cho thấy rằng thị trường biến động theo ba hướng: lên, xuống và đi ngang. Điều quan trọng là cần nhận thức được sự tương phản này, bởi chí ít một phần ba thời gian này giá cũng biến động theo một biên độ nằm ngang được gọi là phạm vi giao dịch (trading range).

Dạng vận động đi ngang này phản ánh một giai đoạn giá thăng bằng khi áp lực cung cầu tương đối cân bằng. (Hãy nhớ rằng Lý thuyết Dow thể hiện mô hình này bằng một đường kẻ liền). Mặc dù chúng ta xác định thị trường “đứng im” khi có xu hướng đi ngang nhưng mọi người thường xem nó là thị trường “không rõ xu hướng”.

Về bản chất, hầu hết các công cụ và hệ thống kỹ thuật đều đi theo xu hướng, có nghĩa là chúng đuợc thiết kế cho những thị trường tăng hoặc giảm. Chúng thường vận hành rất kém hiệu quả khi thị trường rơi vào giai đoạn đi ngang hoặc không rõ xu huớng. Chính trong những lúc thị trường đi ngang như thế này, các nhà giao dịch theo phương pháp phân tích kỹ thuật thường nếm trải những cảm giác thất vọng nhất cũng như những thua lỗ trầm trọng nhất. Theo định nghĩa, một hệ thống tuân theo xu hướng cần một xu hướng để hoạt động. Sự bất động ở đây không phải bởi hệ thống mà là do NĐT đang cố gắng áp dụng một hệ thống vốn được thiết kế dành cho thị trường vận động có xu hướng vào một môi trường không có xu hướng.

NĐT phải đối mặt với ba quyết định – mua, bán hoặc không làm gì cả. Khi thị trường đang tăng giá, chiến lược mua được coi là phù hợp. Khi thị trường đang giảm, quyết định bán là điều cần làm. Tuy nhiên, nếu thị trường đi ngang, quyết định thứ ba – không tham gia vào thị trường – thường được coi là lựa chọn khôn ngoan nhất.

Ba cấp độ của xu hướng

Ngoài sự hiện diện của 3 chiều hướng, xu hướng còn được phân chia thành ba loại như đã được đề cập. Đó là xu hướng chính, xu hướng trung gian và xu hướng ngắn hạn. Trên thực tế, gần như không thể xác định được số lượng xu hướng có mối tương tác với một xu hướng khác, từ xu hướng rất ngắn hạn chỉ diễn ra trong vài phút hoặc vài giờ đồng hồ đến những xu hướng cực dài diễn ra vài năm đến vài chục năm. Tuy nhiên, hầu hết các nhà phân tích kỹ thuật đều giới hạn phân loại xu hướng thành ba loại. Tuy vậy, ở đây có một số nhập nhằng trong cách định nghĩa của các nhà phân tích khác nhau.

Lý thuyết Dow xếp xu hướng chính như là loại xu hướng có hiệu lực trên một năm. Với các nhà giao dịch tương lai hoạt động trong một giới hạn thời gian ngắn hơn so với các nhà đầu tư chứng khoán nên chúng ta có khuynh hướng rút ngắn xu hướng chính đối với bất cứ thứ gì trên 6 tháng cho thị trường hàng hóa. Dow xác định xu hướng trung gian hay xu hướng thứ cấp là 3 tuần hoặc nhiều tháng – điều xem ra khá phù hợp cho thị trường tương lai. Xu hướng ngắn hạn đuợc xác định với khoảng thời gian ít hơn 2 hoặc 3 tuần.

Mỗi xu hướng là một phần của xu hướng kế tiếp lớn hơn. Ví dụ, xu hướng trung gian sẽ là một sự hiệu chỉnh trong xu hướng chính. Trong một xu hướng tăng dài hạn, thị trường chững lại để hiệu chỉnh trong một vài tháng trước khi quay lại bước tăng giá của mình. Sự hiệu chỉnh thứ hai sẽ bao gồm những đợt sóng ngắn hơn được xác định bởi những đợt phục hồi ngắn hạn. Tình trạng này diễn ra nhiều lần – mỗi xu hướng là một phần của xu hướng lớn hơn kế tiếp và bản thân nó cũng được cấu thành từ những xu hướng nhỏ hơn. (Xem hình 2)

Hình trên minh họa ba cấp độ cùa xu huớng: chính, trung gian và ngắn hạn. Điểm 1,2,3 và 4 thể hiện xu hướng chính. Sóng 2-3 thể hiện sự hiệu chỉnh trong xu hướng chính. Mỗi sóng trung gian lần lượt lại đuợc chia thành những xu hướng ngắn hạn. Vi dụ, sóng trung gian 2-3 được chia thành những sóng nhỏ A-B-C.

Nhìn chung, hầu hết các phương pháp tuân theo xu hướng đều tập trung vào xu hướng trung gian kéo dài trong vài tháng. Xu hướng ngắn hạn ban đầu được dùng để xác định thời điểm.
Trong một xu hướng tăng trung gian, những điều chỉnh giảm ngắn hạn sẽ được sử dụng để khởi động vị thế mua.

Bình luận