Tôi có thể đầu tư chứng khoán không? bất cứ ai đều có thể đầu tư chứng khoán, nhưng cần phải trang bị kiến thức tốt cho mình. Đối với người giỏi có thể coi công việc hàng ngày trade chứng khoán là một nghề kiếm tiền theo từng phiên, đeo bám cùng chỉ số. Đối với bạn không có thời gian có đầu tư chứng khoán được không? ĐƯỢC nhưng nên chọn chiến lược đầu tư cho mình phù hợp, như đầu tư tích sản.
Đọc thêm cuốn thêm Cổ phiếu thường Lợi nhuận phi thường để hiểu cách đầu tư tích sản.
Một trong những chiến lược đầu tư mà mình muốn khuyến nghị cho các bạn là chiến lược đầu tư tích sản cổ phiếu.
Mục lục
Tích sản cổ phiếu là gì?
Tích sản cổ phiếu là việc bạn dành ra một khoản tiền mỗi tháng để mua một (hoặc một số) mã cổ phiếu. Bạn thực hiện việc đó một cách liên tục và đều đặn như thế cho đến khi bạn sở hữu được một khối lượng cổ phiếu như mục tiêu đã đề ra trong danh mục đầu tư của mình.
Việc bạn gia tăng vốn liên tục và cổ phiếu đó nó tăng giá trong tương lai thì bạn vô tình có được một tài sản đang tăng trưởng theo mô hình lãi suất kép.
Tại thời điểm viết bài: điểm Vnindex 900-1000-1100 tương ứng PE thị trường 9-11 (dưới trục giá trị PE 15 lần của Vnindex) thì mới là mua tích sản chứ khi 1300-1500 mà mua tích sản thì không nên vì khi đó PE thị trường nằm trên trục giá trị của nó rồi!
Lợi ích của việc tích sản cổ phiếu
Có thể phương pháp tích sản cổ phiếu này không được nhiều người biết đến và bạn nghĩ rằng chúng không hữu hiệu trong đầu tư. Nhưng thực tế là những người đầu tư theo phương pháp tích sản cổ phiếu họ không thích phô trương. Cộng với việc cách đầu tư như thế này trong ngắn hạn bạn không thể thấy được kết quả ngay mà cần thời gian dài.
Dưới đây là những lợi ích của việc tích sản cổ phiếu:
1. Tích tiểu thành đại
Tích sản cổ phiếu đúng chất là dành cho những người có số vốn không quá lớn. Nhưng nhóm người này cứ 1 – 2 tháng lại dư ra được vài triệu hoặc vài chục triệu. Mỗi tháng bạn sẽ dành ra một khoản tiền như thế để mua tích sản cổ phiếu. Cứ như thế nếu như bạn thực hiện đều đặn trong một thời gian dài bạn sẽ bất ngờ với số tiền bạn đang có.
Mình lấy ví dụ nếu như bạn dành 5 triệu mỗi tháng để mua tích sản cổ phiếu. Mình cho trung bình các cổ phiếu này mỗi năm trung bình thị giá trên thị trường chứng khoán tăng 15%/năm. Liên tục đều đặn như thế trong 15 năm thì số tiền bạn có được là: 3.384.315.469 đồng
2. Tạo ra nguồn thu nhập thụ động
Nhắc đến việc tích sản cổ phiếu nhưng lại tạo ra nguồn thu nhập thụ động bạn cảm thấy lạ đúng không. Nhưng thực tế là hoàn toàn có thể tạo ra nguồn thu nhập thụ động mỗi năm từ việc nhận được cổ tức của chính doanh nghiệp mà bạn đầu tư.
Khi bạn mua tích sản thì bạn sẽ mua những doanh nghiệp làm ăn tốt. Những doanh nghiệp như thế thường sẽ chia cổ tức lại cho cổ đông hằng năm. Đó chính là nguồn thu nhập thụ động bạn được hình thành từ việc tích sản cổ phiếu đó.
3. Tạo thói quen tích lũy, tiết kiệm
Ai cũng biết tích lũy, tiết kiệm là tốt nhưng có bao nhiêu người thực hiện được việc đó. Phần lớn người ta không làm được tại vì họ không có kế hoạch cụ thể cho mục tiêu tích lũy, tiết kiệm.
Nếu như bạn có kế hoạch cụ thể là mỗi tháng bạn sẽ trích bao tiền trong khoản thu nhập của mình, bạn sẽ dùng số tiền đó đầu tư vào kênh nào, cụ thể mã cổ phiếu nào… thì thói quen đó dần dần sẽ được hình thành.
4. Hình thành tài sản có thanh khoản cao
Khác với những kênh đầu tư khác, như bất động sản chẳng hạn khi bạn cần tiền mặt liền ngay lập tức thì bạn cũng phải rao bán người mua rồi đi công chứng mua bán rồi mới nhận được tiền. Chưa kể khi bạn xoay xong vốn bạn muốn lại miếng đất đó, căn nhà đó thì khả năng rất thấp người mua trước đó bán lại cho bạn.
Nhưng với cổ phiếu thì khác, bạn chỉ mất 5 phút để chuyển số cổ phiếu thành tiền mặt. Và bạn hoàn toàn có thể mua lại bất kỳ lúc nào, đương nhiên là giá mua lại có thể cao hơn hoặc thấp hơn tùy vào thị giá của cổ phiếu lúc đó. Nhưng quan trọng là luôn luôn có nhu cầu mua và bán trên thị trường chứng khoán.
Lộ trình xây dựng danh mục đầu tư tích sản
Tích sản cổ phiếu không phải mua mua, bán bán trong ngày một, ngày hai mà cả một quá trình dài từ vài năm, thậm chí tốt nhất lên đến vài chục năm. Để bắt đầu tích sản cổ phiếu bạn phải có cho mình một lộ trình tích sản cụ thể như sau:
Bước 1: Đặt mục tiêu lợi nhuận của bản thân
Đương nhiên rồi, làm gì cũng phải có mục tiêu cho riêng mình. Bạn nên đặt mục tiêu lớn sau đó chia nhỏ dần để tìm ra số tiền mỗi tháng mà bạn cần phải tích sản là bao nhiêu. Nếu số tiền mỗi tháng vượt quá khả năng tài chính của mình có 2 cách để giải quyết: hoặc là thay đổi mục tiêu thấp xuống hoặc là tìm cách gia tăng thu nhập.
Mình lấy ví dụ: Năm nay mình 28 tuổi, mình đặt mục tiêu đến năm mình 45 tuổi thì mình sẽ tích sản được số tiền là 5 tỷ đồng. Mình giả định kênh đầu tư đó mang lại lợi nhuận đều đặn 15%/năm. Thì số tiền mà mình cần phải dành ra để tích sản vào cổ phiếu hoặc các tài sản khác là 5.385.022 đồng/tháng.
Bước 2: Tìm sản phẩm tài chính phù hợp
Nhiều người nhầm lẫn đầu tư chứng khoán là chỉ đầu tư vào cổ phiếu thôi. Nhưng bên cạnh cổ phiếu thì trên thị trường chứng khoán còn rất nhiều sản phẩm tài chính được niêm yết khác nữa. Như trái phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng khoán phái sinh…
Các bạn lưu ý là chứng khoán phái sinh không phải là nơi để bạn có thể tích sản được. Nó là công cụ để phòng ngừa rủi ro khi thị trường đi ngược vị thế đối với các chứng khoán cơ sở mà bạn đang nắm. Thường các tổ chức hoặc các quỹ sẽ sử dụng công cụ phái sinh nhiều hơn là cá nhân.
Mình thấy có 2 sản phẩm mà bạn có thể bắt đầu tích sản là cổ phiếu và chứng chỉ quỹ. Bạn nên tìm hiểu về bản chất của 2 loại này để tìm ra sản phẩm tài chính phù hợp với phong cách đầu tư của bạn. Đừng quan trọng cái nào lời nhất mà hãy quan tâm cái nào phù hợp nhất.
Bước 3: Lên kế hoạch giải ngân phù hợp
Bằng cách tính ở bước 1 thì bạn đã có được số tiền cần phải dành ra cho tích sản cổ phiếu mỗi tháng là bao nhiêu rồi. Do đó, bạn nên cân đối tài chính cá nhân của mình để giải ngân tiền theo đúng kế hoạch. Bạn hãy xem tích sản giống như việc bạn cần phải thanh toán hóa đơn điện nước nhà mình mỗi tháng vậy.
Thậm chí, khi thị trường bị điều chỉnh mạnh bằng các đợt giảm sâu thì bạn có thể cân nhắc giải ngân số tiền lớn hơn để tích lũy được nhiều hơn. Vì khi thị trường điều chỉnh và giá cổ phiếu bị giảm thì đó là cơ hội để bạn mua được cổ phiếu giá rẻ so với bình thường.
Bước 4: Theo dõi danh mục đầu tư mỗi tháng
Đối với chứng chỉ quỹ thì có thể bạn sẽ ít dành thời gian cho nó hơn. Còn đối với những ai dùng cổ phiếu để tích sản thì nên đánh giá lại định kỳ. Mình nghĩ tầm 1 tháng một lần, bạn nên ngồi xuống và đánh giá lại danh mục đầu tư của mình. Nếu như có thêm người tư vấn nữa cùng trao đổi thì càng tốt.
Vì không phải cứ cổ phiếu nào nó cũng đi đúng với những toan tính ban đầu của bạn. Một số mã sẽ đi lệch quỹ đạo và bạn cần phải điều chỉnh lại danh mục đầu tư của mình để hướng đến mục tiêu xa hơn. Tuy nhiên, đừng quá quan trọng vào những thiệt lại ngắn hạn mà nên nhìn vào bức tranh dài hạn.
Bước 5: Tiếp tục tích lũy đều đặn
Công việc của bạn ở bước này là thực hiện nó một cách liên tục và đều đặn mỗi tháng. Vì một trong những mấu chốt để giúp lãi suất kép trở thành kỳ quan thứ 8 của thế giới là tính đều đặn. Chỉ cần bạn đủ kiên trì và thực hiện tích sản cổ phiếu một cách đều đặn trọng một thời gian dài thì bạn sẽ hái được quả ngọt.
Các tiêu chí để chọn cổ phiếu tích sản
1. Triển vọng ngành trong tương lai dài hạn
Bạn cần phân tích (kinh tế vĩ mô) từ bức tranh lớn của nền kinh tế trước rồi sau đó mới thu hẹp phạm vi lại. Sau đó đánh giá với nền kinh tế vĩ mô như hiện tại thì ngành nghề nào sẽ được hưởng lợi, ngành nghề nào sẽ bị bất lợi.
Từ đó, chỉ tập trung mua các mã cổ phiếu trong những ngành nghề được hưởng lợi đó mà thôi.
2. Chọn doanh nghiệp hàng đầu có lợi thế cạnh tranh
Trong mỗi ngành nghề thì lại có nhiều doanh nghiệp khác nhau và không phải doanh nghiệp nào cũng hoạt động hiệu quả. Một doanh nghiệp có đội ngũ lãnh đạo tốt, báo cáo tài chính và hoạt động kinh doanh rõ ràng, minh bạch là thứ mình ưu tiên trước.
Đặc biệt, mình phải tìm ra được mấu chốt nào ở doanh nghiệp đó nó hơn hẳn những doanh nghiệp khác. Ví dụ như chỉ số P/B, chỉ số P/E, vòng quay tài sản, dòng tiền dương hay âm, biên lợi nhuận có cao không …
3. Cổ phiếu đang được định giá hấp dẫn
Mình gặp rất nhiều trường hợp tất cả những yếu tố ở trên về doanh nghiệp đúng nhưng khi soi qua thị giá cổ phiếu thì nó lại quá cao. Cao một phần là dòng tiền thời gian qua vào quá lớn, đẩy giá cổ phiếu lên cao. Hoặc cũng có thể là những cái mình phân tích ra thì người khác cũng phân tích ra được. Những yếu tố đó nó đã phản ánh vào giá cổ phiếu rồi.
Nên sự khác nhau giữa những người phân tích hơn nhau là tìm ra được những cái sẽ xảy ra sắp tới chứ không phải là những cái đã xảy ra rồi.
4. Số lượng cổ phiếu trong danh mục
Không ai bỏ tất cả trứng vào trong cùng một giỏ và trong tích sản cũng vậy. Tránh all in vào một mã cổ phiếu vì nếu mã cổ phiếu đó bạn phân tích sai thì xem như công sức tích sản bao năm của bạn bị đổ sông đổ bể.
Mình nghĩ danh mục đầu tư tích sản hay đầu tư trading tăng trưởng cũng chỉ nên có từ 3 – 5 mã cổ phiếu mà thôi. Không nên dàn trải quá nhiều vì nó cũng làm loãng danh mục của các bạn.
5. Đội ngũ lãnh đạo của doanh nghiệp
Những ông chủ doanh nghiệp mà suốt ngày cứ hô hào, quan tâm quá nhiều đến giá cổ phiếu thì mình cũng không thích lắm. Việc của ông ấy là điều hành doanh nghiệp làm sao cho có lãi nhất. Khi doanh nghiệp có lãi thì cổ đông có cổ tức và thị giá cổ phiếu cũng tăng theo.
Tránh va vào những doanh nghiệp mà mấy ông chủ tịch cứ mua thêm cổ phiếu xong rồi bán ra. Rồi lại tiếp tục mua vào rồi lại bán ra. Chủ doanh nghiệp đang bào tiền của cổ đông đấy.
Một số nguyên tắc khi đầu tư tích sản
1. Mỗi ngành nghề chỉ chọn 1 mã cổ phiếu, không all in
Như mình có đề cập ở trên, danh mục đầu tư tích sản cũng chỉ nên có từ 3 – 5 mã cổ phiếu mà thôi. Và trong số các cổ phiếu đó không có những mã cùng ngành. Biết là cả 2 doanh nghiệp đều tốt nhưng hãy chọn ra doanh nghiệp tốt nhất.
2. Chỉ chọn ngành nghề mà mình am hiểu
Nếu bạn là người mới tham gia đầu tư thì mình nghĩ các bạn nên bắt đầu tích sản cổ phếu ở những ngành nghề mà các bạn am hiểu nhất. Nếu được thì bạn hãy làm khách hàng và sử dụng các sản phẩm dịch vụ của công ty đó để hiểu hơn về doanh nghiệp.
Vì khi am hiểu ngành nghề bạn sẽ dễ phân tích và theo sát được sự vận động của doanh nghiệp đó hơn.
3. Không cần tích lũy nhiều, chỉ cần tích lũy đều
Khi đầu tư tích sản cổ phiếu, đầu tư nhiều không quan trọng bằng đầu tư ít nhưng đều đặn trong một thời gian dài. Ví dụ như bạn dư thêm một ít tiền có thể mua thêm, còn cái kế hoạch ban đầu vẫn nên duy trì và cam kết thực hiện nó.
Việc mua cổ phiếu đều đặn sẽ giúp bạn có một mức giá bình quân tốt hơn. Có thể tháng này bạn mua giá cao hơn nhưng tháng sau bạn sẽ mua được cổ phiếu giá rẻ hơn.
4. Hạn chế nhìn bảng điện mỗi ngày
Bảng điện chỉ dành cho broker (người môi giới) mà thôi, còn bạn là nhà đầu tư theo trường phái tích sản cổ phiếu thì không nên nhìn quá nhiều vào bảng điện làm gì. Việc nhìn vào bảng điện quá nhiều sẽ khiến cho bạn phân tâm và không chiến thắng được cảm xúc.
Công việc của bạn, bạn cứ làm. Định kỳ 1 tháng vào review lại danh mục đầu tư hoặc khi nào báo chí nói quá nhiều về chứng khoán hoặc thị trường liên tục ra những tin tiêu cực. Chỉ vậy thôi, bảng điện là thứ mà công ty chứng khoán dùng thể lấy phí từ nhà đầu tư.
5. Cơ cấu lại danh mục khi cần thiết
Bên cạnh việc tích sản cổ phiếu mỗi tháng thì bạn cần phải đánh giá lại danh mục đầu tư của mình. Cái nào đi lệnh quỹ đạo thì bắt đầu phân tích lại từ đầu. Xem thử là mã cổ phiếu đó có còn động lực nào để tăng trưởng trong tương lai hay không. Nếu không thì mạnh dạng từ bỏ và thay thế chúng bằng một mã cổ phiếu khác. Tránh việc quá yêu cổ phiếu, hãy yêu danh mục đầu tư và tiền của mình.
6. Không nên chạy theo xu hướng đám đông
Đám đông chỉ dành cho phương pháp đầu tư tăng trưởng và trading mỗi ngày. Nếu bạn theo phương pháp tích sản mà chạy theo đám đông thì rất dễ bị đu đỉnh. Vì đám đông kéo đến đẩy giá cổ phiếu đi lên xong sau đó rút nhanh gọn lẹ.
Đầu tư tích sản thì nên tập trung vào cổ phiếu nào mà đám đông chưa dòm ngó đến. Hay nói đúng hơn là tập trung vào những cổ phiếu nào đang trong giai đoạn tích lũy. Giai đoạn này thường cổ phiếu đi ngang một thời gian khá dài, có thể lên đến vài năm.
7. Luôn luôn học tập để nâng cao kiến thức
Đừng nghĩ đầu tư tích sản là mua rồi chỉ quăng đó. Phương pháp nào cũng vậy, tích sản hay tăng trưởng lướt sóng đều cần phải nghiên cứu chuyên sâu. Mỗi phương pháp đều có thế mạnh riêng, việc chỉ tìm hiểu qua loa rồi mua một cách mù quáng sẽ khiến bạn đi vào ngõ cụt.
Vì bản chất của tích sản nó khác với đầu tư lướt sóng, lướt sóng chỉ cần 1 – 2 tháng là thấy kết quả rồi. Còn tích sản thì phải tính bằng năm, thứ bạn mất là thời gian và những cơ hội đầu tư khác.
Liên tục học tập và chỉ tập trung nghiên cứu những thứ bổ trợ cho phương pháp đầu tư của mình.
Tích sản cổ phiếu nên chọn nền tảng giao dịch nào?
Việc chọn nơi tích sản cũng cực kỳ quan trọng vì mình thấy hiện nay có khá nhiều app đầu tư cho Gen Z. Được quảng cáo rầm rộ là đầu tư chỉ từ 50.000 đồng nhưng ẩn bên trong thì tồn tại rất nhiều loại phí khác nhau. Đặc biệt là phí quản lý tài sản 1 – 2%/năm trên tổng tài sản của các bạn.
Không được! Mức phí này quá cao, giá trị tài sản ròng của bạn lại tăng qua các năm thì phí của bạn cũng tăng lên. Đầu tư tích sản tăng trưởng mỗi năm đã chậm rồi, mà nó lại bào mòn 2% như thế nữa thì còn gì là lãi suất kép.
Đầu tư tích sản thì hãy chọn mua trên các app chứng khoán của các công ty chứng khoán luôn. Nhớ là công ty chứng khoán chứ không phải nền tảng đầu tư của bên thứ ba. Các công ty chứng khoán chỉ thu phí mua và phí bán vậy thôi. Còn những thứ khác như thuế TNCN, phí lưu ký cổ phiếu thì bắt buộc phải chịu, đó là quy định của nhà nước rồi.
Còn một cái nữa, nhiều công ty chứng khoán cho phép khách hàng có 2 tùy chọn là có môi giới hỗ trợ tài khoản và không có môi giới hỗ trợ. Có môi giới thì phí mua bán cao hơn, không có môi giới thì phí mua bán rẻ hơn. Tuy nhiên, mình khuyên các bạn nên chọn có môi giới vì họ sẽ có nhiều chuyên môn và có nhiều tài liệu thông tin để hỗ trợ bạn hơn.
Câu hỏi thường gặp
1. Tích sản cổ phiếu là gì?
Tích sản cổ phiếu là việc bạn dành ra một khoản tiền mỗi tháng để mua một (hoặc một số) mã cổ phiếu. Tích lũy một cách đều đặn và liên tục như thế trong vài năm hoặc hàng chục năm mang lại kết quả trong dài hạn.
2. Đầu tư tích sản thì nên chọn cổ phiếu nào?
Nên chọn cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, không nên mua theo sự hô hào của các đội nhóm trên mạng. Mình có hướng dẫn cách chọn cổ phiếu theo phương pháp Top Down ở trên.
3. Nên mua bao nhiêu cổ phiếu mỗi tháng để tích sản?
Mua bao nhiêu cũng được, nhưng quan trọng là bạn phải duy trì được khối lượng mua đều đặn mỗi tháng. Ít nhưng mà đều là mấu chốt của đầu tư tích sản.
4. Có nên bán cổ phiếu đang tích sản không?
Mình chủ trương không yêu cổ phiếu, mình chỉ yêu danh mục đầu tư và tổng tài sản của mình. Bất kỳ một mã cổ phiếu nào mà đi ngược lại với những phân tích ban đầu thì mình cũng có thể mạnh dạng cắt lỗ để thay thế bằng một mã cổ phiếu khác. Đương nhiên là trước khi cắt lỗ cũng ngồi lại phân tích như ban đầu.
5. Thị trường downtrend có nên mua tích sản cổ phiếu không?
Thị trường downtrend cơ hội cực lớn cho việc mua tích sản cổ phiếu. Vì lúc này giá cổ phiếu đang bị rớt thê thảm và thị giá của nó thấp hơn giá trị nội tại của doanh nghiệp rất nhiều. Tuy nhiên, tránh trường hợp bạn bắt dao đang rơi, mã cổ phiếu nào đang rơi cứ cho nó rơi. Rơi về mặt đất nằm yên đó rồi mua hẳn vẫn chưa muộn.
Nếu như bạn không biết phải thiết kế danh mục đầu tư như thế nào thì có thể nghiên cứu danh mục đầu tư tiêu chuẩn của nhóm được xây dựng bởi đội ngũ chuyên gia có nhiều kinh nghiệm.
Theo Moneyhub